Ảnh hưởng Lâm_Tế_tông

Nhật Bản

Cổng sơn môn của Nam Thiền Tự (Nanzenji)- một trong các ngôi Tổ Đình chính của Tông Lâm Tế Nhật Bản.

Hiện nay, Tông Lâm Tế Nhật Bản có khoảng 14 phái, dòng pháp khác nhau, các phái này cùng với Tông Tào ĐộngTông Hoàng Bá trở thành nền tảng của Thiền tông Nhật Bản. Một số ngôi tổ đình chính của các hệ phái này như: Diệu Tâm Tự (Myōshin-ji), Đại Đức Tự(Daitoku-ji), Viên Giác Tự(Enkaku-ji), Kiến Nhân Tự(Kennin-ji)...

Thiền Lâm Tế được truyền đến Nhật Bản vào đời nhà Tống- giữa lúc Thiền Tông đang còn hưng thịnh tại Trung Quốc và tính chất dĩ tâm truyền tâm vẫn còn thuần túy và nguyên thủy, chưa bị pha tạp với giáo lý các tông phái khác. Kế thừa điều này, Thiền Lâm Tế tại Nhật Bản cũng giữ được tính chất nguyên thủy của Thiền Tông cho đến nay, mà tại Trung Quốc vốn đã bị pha tạp và dần biến mất từ sau thời nhà Nguyên.

Thiền sư nổi tiếng Mộng Song Sơ Thạch thuộc Tông Lâm Tế Nhật Bản.

Thời kỳ nhà Tống là đỉnh cao của phong trào du học của các vị tăng tại Nhật Bản đến Trung Quốc tầm sư học đạo rất hưng thịnh, và cũng có nhiều hoạt động truyền pháp của nhiều vị Thiền sư Trung Quốc sang Nhật Bản. Thiền Lâm Tế được truyền vào Nhật Bản đầu tiên qua Thiền sư Duệ Sơn Giác A- môn đệ người Nhật đắc pháp của Huệ Viễn Hạt Đường(đệ tử nối pháp Viên Ngộ Khắc Cần, phái Dương Kì). Sau đó, phái Hoàng Long được Thiền sư Minh Am Vĩnh Tây sau hai lần đến Trung Quốc và đắc pháp nơi Hư Am Hoài Sưởng đã đem về truyền bá tại Nhật Bản. Đến nay dòng pháp của Minh Am vẫn còn tồn tại ở 2 chùa là Thọ Phúc Tự(Jufuku-ji) và Kiến Nhân Tự(Kennin-ji).Ngoài ra còn được truyền bá bởi vị tăng Nhật là Đại Nhật Năng Nhẫn, vốn tu học tại Núi Tỉ Duệ về giáo lý Tông Thiên Thai và sau đó nhân đọc ngữ lục của Thiền Tông rồi tự tu hành và được kiến tính. Tự xưng là Nhật Bản Đạt Ma Tông và mở rộng hoằng pháp, nhưng ông bị chê là không thầy ngộ một mình. Sau đó ông đem kiến giải của mình viết trong thư và nhờ thị giả đem sang Trung Quốc và được Thiền sư Chuyết Am Đức Quang- một trong các đại đệ tử của Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo ấn khả chứng minh và truyền pháp dòng phái Đại Huệ, sau này dòng pháp Đạt Ma Tông thất truyền và được các môn đệ của Đạo Nguyên Hi Huyền tông Tào Động hấp thụ.

Sau đó cũng có nhiều vị tăng Nhật đến Trung Quốc cầu pháp như Viên Nhĩ Biện Viên(nối pháp Vô Chuẩn Sư Phạm), Tâm Địa Giác Tâm(nối pháp Vô Môn Huệ Khai, Nam Phổ Thiện Minh, Thiên Hựu Tư Thuận... hay các hoạt động truyền pháp của nhiều vị Thiền sư Trung Quốc đến Nhật như Lan Khuê Đạo Long, Ngột Am Phổ Ninh, Vô Học Tổ Nguyên.

Đến thời nhà Nguyên vẫn tiếp tục diễn ra các hoạt động truyền pháp và sang Trung Quốc tham học cầu pháp. Nổi bật là các môn đệ người Nhật của Trung Phong Minh Bản với lối tu Thiền tông kết hợp với việc niệm Phât, phong cách sống ẩn dật trong am, cốc nơi rừng núi.

Thời nhà Minh cũng diễn ra nhiều hoạt động truyền giáo của các vị Thiền sư Trung Quốc sang Nhật như Ấn Nguyên Long Kỳ, Đạo Khả Nguyên Siêu( Bàng Khuê Vĩnh Trác từng đến tham học và được ấn chứng). Đặc biệt là tông Hoàng Bá do Ấn Nguyên Long Kỳ sáng lập- với chủ trương Thiền Niệm Phật( còn gọi là Thiền nhà Minh) và phương thức tu hành khá khác biệt với lối tu mật tham của Thiền Lâm Tế Nhật Bản nên đã bị các Thiền sư bản địa chỉ trích gay gắt. Đến năm 1876, phái này tách ra độc lập với Tông Lâm Tế và được gọi là Tông Hoàng Bá.

Vườn Thiền tại Long An Tự( Ryoan-ji)

Thế kỷ 17, 18 là thời kỳ hưng thịnh trở lại của Thiền Lâm Tế. Các hoạt động hoằng pháp và khôi phục cải cách tông phong của Thiền sư Bàng Khuê Vĩnh Trác, Bạch Ấn Huệ Hạc đã tạo ra những bước tiến và có tác động rất lớn đến sự suy tàn của Thiền lúc bấy giờ.

Tông Lâm Tế tại Nhật có sức hút và được sự hưởng ứng ủng hộ của nhiều tầng lớp Nhật bấy giờ, từ thiên hoàng cho đến các mạc phủ, tướng quân, võ sĩ đạo(samurai) hay những tầng lớp dân lao động bình thường. Các nghệ thuật Thiền như Thư Đạo, Nhu Đạo trong võ thuật, vườn Thiền, Thiền họa, trà đạo, Thiền thi đều được các vị Thiền sư tông này sáng tạo để thể nghiệm tinh thần Thiền tông và đã tạo cảmhứng nghệ thuật đến nhiều người đi theo, sáng tác. Từ đó hình thành nên nền văn hóa Nhật Bản.

Tọa Thiền

Thiền Lâm Tế Nhật Bản nhấn mạnh đến việc Kiến Tính và coi đây là cửa ngõ cho việc tu tập Phật Pháp đích thực. Phương pháp tu chính trong tông Lâm Tế Nhật Bản là pháp môn Thiền công án, chú trọng đến việc tham thoại đầu, tọa Thiền và tu tập trong khi chấp tác, làm việc sinh hoạt. Thông thường, trước khi một thiền sinh trở thành một vị thiền sư chính thức và có khả năng dạy dỗ các môn đệ tu Thiền thì thiền sinh đó phải trải qua ít nhất 10 năm tham Thiền và được vị Lão sư của mình là Thiền sư đã kiến tính trắc nghiệm công phu và ấn chứng mình đã khai ngộ. Sau đó, vị thiền sinh này cũng phải đi hành cước khắp nơi và trải qua các cuộc pháp chiến với các Thiền sư khác nhằm trao dồi kinh nghiệm chứng ngộ của mình và ứng dụng kinh nghiệm đó ngay trong thực tiễn cuộc sống. Phương thức tiếp dẫn người học tại các chùa bản sơn Thiền phái Lâm Tế khá táo bạo và rất khắc nghiệt, theo quyển From Novince to Master của Thiền sư Soko Morigana- Thiền sư Lâm Tế Tông Nhật Bản hiện đại kể lại về hành trình tu tập ngộ đạo của mình, khi một tăng sinh đến cầu được nhập chúng tham học tại một thiền viện tông Lâm Tế nào đó, vị này sẽ bị lấy cớ để đuổi đi, nếu không đi sẽ bị đánh và mắng chửi thật thậm tệ và phải chịu nhịn ăn, nhịn uống. Trải qua vài ngày như vậy nếu vị tăng vẫn nhẫn nhục chịu đựng và kiên trì cầu pháp với quyết tâm cao độ thì mới được chấp nhận cho vào chùa ở và tu học. Tại các Thiền đường thường diễn ra các thời khóa tọa Thiền bắt đầu từ 3h sáng và kết thúc vào lúc 9h tối. Hàng ngày, mỗi vị tăng vào am thất của vị Thiền sư hướng dẫn tu tập của mình để trình kiến giải tu tập (còn gọi là Độc Tham), và khi vị thiền sinh không trả lời được công án Thiền mà vị thầy đưa ra thì những tiếng hét, đánh từ vị thầy là những âm thanh quen thuộc mà vị thiền sinh nào cũng phải trải qua. Cũng nhờ sự nghiêm khắc và tỉ mỉ trong việc tu Thiền như thế nên Thiền phái lâm tế Nhật Bản đã đào tạo ra nhiều vị Thiền sư vĩ đại, duy trì được cốt tủy của Thiền Tông và sự truyền thừa qua lại không gián đoạn theo đúng tính chất Dĩ Tâm Truyền Tâm.

Thời kỳ hiện đại, Tông Lâm Tế được truyền qua Phương tây đầu tiên bởi Thiền sư Hồng Nhạc Tông Diễn( ja: Shaku Soyen) tại Mỹ vào năm 1905 cùng với đệ tử là học giả Thiền Suzuki Daisetsu Teitarō. Bộ Thiền Luận của Suzuki đã có ảnh hưởng rất lớn đến phương Tây đối với cái nhìn về tư tưởng Thiền và đã tạo động lực cho nhiều người phương Tây tìm hiểu tu tập Thiền và đến Nhật tầm sư học đạo...

Triều Tiên (Hàn Quốc)

Tùng Quảng Tự (Songgwangsa)- một trong ba tổ đình chính của Thiền phái Tào Khê Hàn Quốc.

Tông Lâm Tế tại Hàn Quốc được gọi với tên gọi chính là Thiền Tào Khê(Jogye Order), đây là tông phái Phật giáo lớn nhất tại Hàn Quốc với 1725 ngôi chùa, 10,056 tăng ni và hơn 9 triệu tín đồ khắp Hàn Quốc ( thống kê năm 1994).

Thiền sư Trí Nột là người Hàn Quốc đầu tiên ảnh hưởng từ tư tưởng Thiền công án, thoại đầu của Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo. Qua sự giáo hóa và tư tưởng của Trí Nột, Thiền công án dần được ứng dụng trong các Thiền viện Hàn Quốc.

Đến thế kỷ 14, pháp mạch truyền thừa chính thống của Tông Lâm Tế được truyền vào Hàn Quốc qua 3 vị Thiền sư là Thái Cổ Phổ Ngu(Taego Bou; 1301-1382), Lãn Ông Huệ Cần (Naong Hyegeun; 1320–1376) và Bạch Vân Cảnh Nhàn(Baegun Gyeonghan;1298-1374). Cả ba từng du phương đến Trung Quốc dưới thời nhà Nguyên và tu tập đại ngộ. Trong ba vị này, vai trò và ảnh hưởng của Thiền sư Thái Cổ Phổ Ngu được biết đến nhiều nhất, sư là người đã kiên quyết thành lập hệ thống tu tập thiền công án tại Hàn Quốc và cho đến nay dòng truyền thừa của sư vẫn tồn tại phát triển, trong khi dòng pháp của 2 vị thiền sư còn lại đã bị thất truyền từ lâu. Từ đó, Thiền Lâm Tế- Tào Khê dần phát triển và trở thành dòng Thiền chính tại Hàn Quốc và có sự hợp nhất đối với Cửu Sơn Thiền- chín trường phái Thiền bản địa Hàn Quốc trước đó.

Buổi tọa Thiền thường nhật trong các Thiền viện Hàn Quốc

Từ thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 20, thuộc thời kỳ Khổng Giáo Triều Tiên(Nhà Triều Tiên), Khổng Giáo trở thành quốc giáo, Phật Giáo bị hạn chế phạm vi hoạt động ở rừng núi. Tông Tào Khê được duy trì truyền thống tu tập Thiền công án, thoại đầu ở các Thiền viện ở trên núi và có nhiều vị thiền sư cao tăng tham thiền đại ngộ và được truyền pháp qua nhiều thế hệ thiền sư đắc đạo, trong đó ba ngôi chùa chính(tam bảo tự) đại diện cho tam bảo là Quảng Tòng Tự (Tăng Bảo), Thông Độ Tự(Phật Bảo) và Hải Ấn tự(Pháp Bảo). Tông Tào Khê cũng đóng góp rất nhiều đến các hoạt động nhân sinh, xã hội, ví dụ như vào thế kỷ 16, Thiền sư Tây Sơn cùng môn đồ đã kêu gọi các tăng sĩ đứng lên chiến đấu bảo vệ tổ quốc, chống lại thế lực xâm lược Nhật Bản và là đại diện ký kết hiệp ước hòa bình giữa hai nước Triều Tiên- Nhật Bản

Nét đặc sắc của Thiền Lâm Tế tại Hàn Quốc là lối dung hợp giữa các nghi lễ Phật giáo của Tịnh Độ Tông như tụng kinh, niệm phật, lễ lạy để đáp ứng với nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của đại đa số người dân sùng bái đạo phật, nhưng vẫn giữ được tinh thần tu tập đốn ngộ của Thiền Tông chứ không bị dung hợp và đánh mất bản chất. Hàng năm tại các Thiền đường thuộc tông Tào Khê thường tổ chức các kỳ thiền thấtt(kr: Kyol Che) trong 90 ngày vào mùa Hạ và mùa Đông cho các tăng ni, cư sĩ tu tập pháp môn Thiền công án, thoại đầu, liều chết tu hành quyết liễu ngộ Phật tính.

Thiền sư Cảnh Hư - người phục hưng Thiền phái Tào Khê thời cận đại.

Trong truyền thống Thiền Tông Hàn Quốc, khác với sự truyền thừa tâm ấn giữa thầy và trò không gián đoạn như Tông Lâm Tế Nhật Bản. Tại Hàn Quốc, có khá nhiều vị thiền sư không thầy tự tu Thiền đại ngộ(Vô sư độc ngộ). Thiền sư Trí Nột là vị Thiền sư không thầy tự ngộ có ảnh hưởng nhất tại Hàn Quốc. Cận đại, những vị thiền sư vĩ đại như Thiền sư Cảnh Hư, Tính Triệt, Long Thành đều tự mình tham Thiền khai ngộ và không có thầy, những hoạt động hoằng pháp và khôi phục truyền bá Thiền Tông của họ có tác động rât lớn đến sự phát trển của Thiền tông Hàn Quốc. Theo Thiền sư Hán Nham Trùng Viễn nhận xét, thì không quan trọng việc người nào được truyền pháp hay không, mà việc quan trong nhất của người tu Thiền Tông là khai ngộ Phật tính, liễu thoát sinh tử, nếu làm được như vậy thì đều có thể nối pháp của Phật Thích Ca, Tổ Đạt Ma, đối với tâm chư Phật, tổ đồng không khác, và có đủ trí huệ, kinh nghiệm giác ngộ để có thể hướng dẫn người khác tu tập và không làm mê tâm họ. Việc truyền thừa có thể gây hại rất lớn đến nhiều người vì nó có thể gây ra sự lầm nhận rằng một người đã ngộ đạo dù họ chưa ngộ, và sẽ tạo nên sự truyền thừa giả dối, huyễn danh.

Thời cận đại, Thiền sư Cảnh Hư(Gyeongheo; 1846-1912) là người vực dậy và khôi phục lại tinh thần của Thiền Lâm Tế- Tào Khê, sản sinh ra nhiều vị Thiền sư pháp tử, pháp tôn đã kiến tính được nối pháp như Huệ Nguyệt Huệ Minh(Hyewol Hyemyeong;1862-1937), Hán Nham Trùng viễn(Hanam Jungwon;1876–1951), Mãn Không(Mangoong; 1871-1946), Long Thành(Yongseong; 1964-1940), Hiểu Phong Học Nột(Hyobong Haknul; 1888-1966)... và những vị này sau này đều có vai trò rất lớn đối với Phật giáo Hàn Quốc. Thiền sư Tính Triệt(Seongcheol; 1912-1993) được coi là vị Phật sống thời hiện đại của Hàn Quốc.

Thiền Tào Khê được truyền sang Mỹ, Hồng Kông, Phương tây bởi Thiền sư Sùng Sơn(Seungsahn; 1927-2004) và các môn đệ người nước ngoài với tên gọi là Thiền Quán Âm(Kwang Um zen).

Việt Nam

Tư tưởng của Tông Lâm tế đầu tiên được truyền vào thời nhà Trần, một số bộ ngữ lục quan trọng của Tông Lâm Tế như Lâm Tế Lục, Đại Huệ Ngữ Lục đã được đem sang Việt Nam từ một số vị thiền sư Trung Quốc như Thiên Phong. Nhiều vị vương tôn, tăng sĩ triều Trần tiếp nhận và chịu ảnh hưởng tư tưởng của Tông Lâm Tế như Vua Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Quốc sư Đại Đăng, Trần Nhân Tông. Vua Trần Thái Tông từng tham công án và sử dụng các giáo lý của Tông Lâm Tế như Tam Huyền, Tam Yếu và bình giảng, làm kệ tụng về một số công án Thiền. Phật Hoàng Trần Nhân Tông cũng ảnh hưởng nhiều từ bộ Đại Huệ Ngữ lục của Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo và từng nhiều lần giảng bộ ngữ lục này cho tăng chúng.

Đến thế kỷ 17. Tông Lâm Tế được truyền vào Bắc Việt bởi Thiền sư Trung Quốc là Viên Văn Chuyết Chuyết và môn đệ là Thiền sư Minh Hành Tại Tại. Dòng phái này có Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng là người phục dựng lại các tác phẩm Thiền và các di tích, chùa chiền của Thiền phái Trúc Lâm. Ở miền Trung và Miền Nam, tông Lâm Tế được truyền vào Việt Nam thông qua các vị tăng từ các thuyền buôn và theo yêu cầu thỉnh các tăng sĩ sang Việt Nam truyền giới đàn của các chúa Nguyễn như Nguyên Thiều Siêu Bạch, Minh Hoằng Tử Dung, Minh Hải Pháp Bảo,.... Nhưng tư tưởng chính mà những vị sư như Viên Văn Chuyết Chuyết , Minh Hải Pháp Bảo, Nguyên Thiều Siêu Bạch.. truyền dạy cho các đệ tử chỉ mang tính chất là Phật giáo cơ bản như: dung hợp tư tưởng ThiềnTịnh Độ, tổ chức các giới đàn truyền giới, lấy pháp niệm phật để tu hành cầu sinh Tịnh Độ. Những tu tưởng mà họ truyền bá không còn thuần túy về Thiền Tông và Lâm Tế Tông nữa, pháp tham công án, thoại đầu là truyền thống tu hành chính trong Tông Lâm Tế tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng không thấy các vị này nhắc đến và tổ chức tu hành trong giới đệ tử.

Duy có Thiền sư Liễu Quán Thiệt Diệu là người được Thiền sư Minh Hoằng Tử Dung trực tiếp chỉ dạy pháp thiền khán thoại đầu, sư khai ngộ Thiền và được Thiền sư Minh Hoằng Tử Dung ấn khả. Sau Thiền sư Liễu Quán thì cũng không thấy trong lịch sử ghi lại có vị sư nào ngộ Thiền. Ở các dòng phái Lâm Tế Việt Nam từ lúc bắt đầu cho đến thời hiện đại chỉ là hình thức mỗi đời thầy trao kệ nối Thiền phái cho đệ tử và đặt pháp danh, pháp hiệu cho đệ tử theo thứ tự các chữ trong bài kệ truyền pháp, Thiền Lâm Tế ở Việt Nam bị thế tục hóa thành các thế hệ gia đình chứ không còn đúng truyền thống thưc tu thực ngộ, truyền tâm ấn tâm[1] nữa. Tức là trước kia trong Thiền Tông chỉ người đã ngộ Thiền và được thầy ấn khả công nhận sự giác ngộ mới được nối pháp của thầy và truyền bá Thiền Tông, nhưng đến khi Thiền Tông bị tàn lụi ở Trung Quốc từ cuối thời nhà Minh thì có những người tu Thiền chưa ngộ, hoặc không tu thiền, chỉ xuất gia và thọ giới với một vị thầy thuộc thiền phái, nhưng cũng được nối pháp thầy, kế tiếp tổ vị, được coi là thiền sư đời thứ mấy trong phổ hệ truyền thừa, và tông Lâm Tế được truyền vào Việt Nam vào thời Thanh nên cũng chịu ảnh hưởng theo tệ đoan này. Hiện nay, từ Bắc đến Nam có rất nhiều chùa tự xưng là thuộc thiền phái Lâm Tế hay mỗi khi có một vị sư nào nó đó viên tịch thì trong hành trạng, tiểu sử, trên bia tháp đều ghi là nối dòng Lâm Tế đời thứ mấy, nhưng thực chất họ chỉ là tu theo Mật Tông, Tịnh Độ, Giáo Môn,... chứ không tu theo hay biết gì về Thiền Tông cả.

Vào giữa cuối thế kỷ 20, có Thiền sư Thích Duy Lực là cao tăng gốc Hoa ở Sài Gòn chuyên hoằng pháp và đào tạo tăng ni, cư sĩ theo đúng đường lối Thiền Thoại Đầu của Tông Lâm Tế và đã thu hút được hàng ngàn người tu tập với nhiều Thiền đường khắp các vùng Đông Nam Bộ và vẫn được các môn đệ của sư truyền bá và tiếp nối cho đến nay. Những băng giảng về đường lối thực hành Tham Tổ Sư Thiền hay các tác phẩm dịch Pháp ngữ được đăng tải lên mạng rất nhiều và là nguồn tài liệu quý báu cho những ai nghiêm túc muốn tu pháp này.